Sign In

Tạo hành lang thông thoáng cho thương mại nông sản Italia sang Việt Nam

19:59 07/07/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định các đơn vị chuyên môn Bộ NN-MT sẽ phối hợp với phía Italia tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật, thúc đẩy thương mại song phương.

 

Chiều 7/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy tiếp và làm việc với ông Marco Della Seta, Đại sứ Italia tại Việt Nam. Ảnh: Khương Trung.

Quan hệ thương mại tiếp tục phát triển tích cực

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định Italia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italia tại ASEAN. Năm 2024, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tiệm cận mức 7 tỷ USD, phù hợp với tuyên bố chung của lãnh đạo cấp cao hai nước từ năm 2023.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam hiện nay không chỉ tập trung sản xuất nông, lâm, thủy sản trong nước mà còn mong muốn đóng góp vào đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, gia tăng xuất khẩu các sản phẩm có chất lượng cao nhất phục vụ thị trường.

Lãnh đạo Bộ NN-MT đánh giá cao vai trò của Italia trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh quan hệ hợp tác chiến lược tốt đẹp của Việt Nam và Italia. Ảnh: Khương Trung.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh quan hệ hợp tác chiến lược tốt đẹp của Việt Nam và Italia. Ảnh: Khương Trung.

"Với việc Italia là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan quốc tế quan trọng như FAO, Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) và sắp tới là quốc gia đồng chủ trì đăng cai Hội nghị Cấp cao Liên hợp quốc về hệ thống lương thực - thực phẩm lần thứ hai (UNFSS+4), Italia có vai trò đặc biệt trong việc định hình chính sách và ảnh hưởng nông nghiệp toàn cầu," Bộ trưởng Duy nhấn mạnh.

Đại sứ Marco Della Seta chia sẻ, quan hệ hợp tác giữa hai nước đang phát triển rất tốt đẹp. Ông khẳng định cả Italia và Việt Nam đều cùng hướng đến đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững. Với truyền thống nông nghiệp lâu đời, Italia cũng coi đây là một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế.

Năm 2024, cán cân thương mại nông nghiệp hai nước đạt 620 triệu euro - con số được Đại sứ đánh giá là khả quan, và còn nhiều dư địa cho tăng cường hợp tác thương mại. Các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam đang xuất khẩu sang Italia gồm cà phê, hạt điều, gạo, thủy hải sản và trái cây. Trong khi đó, rượu vang, mì Ý, phô mai và dầu oliu là những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Italia, vẫn còn nhiều tiềm năng tại thị trường Việt Nam.

Tháo gỡ vướng mắc cho 4 mặt hàng nông sản Italia

Đại sứ Italia mong muốn có thể đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường Việt Nam cho 4 mặt hàng nông sản Italia gồm: táo tươi, kiwi, thịt bò và các sản phẩm từ trứng. Đại sứ cho biết, đây đều là những sản phẩm đã được đàm phán trong thời gian dài nhưng đến nay vẫn còn một số vướng mắc kỹ thuật liên quan đến kiểm dịch và đánh giá nguy cơ.

Ông Marco Della Seta, Đại sứ Italia tại Việt Nam, bày tỏ mong muốn quảng bá sản phẩm nông sản Italia đến người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: Kiều Chi.

Ông Marco Della Seta, Đại sứ Italia tại Việt Nam, bày tỏ mong muốn quảng bá sản phẩm nông sản Italia đến người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: Kiều Chi.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, để thịt bò và sản phẩm từ trứng của Italia được nhập khẩu vào Việt Nam, phía bạn cần cung cấp báo cáo đánh giá nguy cơ và dữ liệu giám sát dịch bệnh đầy đủ. Từ tháng 1/2022, Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị nhưng đến nay chưa nhận được thông tin cần thiết từ phía Italia.

Với mặt hàng táo, Việt Nam đã cho phép nhập khẩu từ tháng 8/2019. Tuy nhiên, hai bên chưa thống nhất về điều kiện bảo quản: Việt Nam yêu cầu giữ lạnh ở nhiệt độ 1 độ C trong 80 ngày, trong khi Italia thay đổi điều kiện 2 độ C trong 35 ngày. Để tháo gỡ, Việt Nam đã đề xuất giải pháp trung gian - giảm thời gian bảo quản nhưng giữ mức nhiệt thấp hơn để vẫn đảm bảo kiểm soát được sinh vật gây hại.

Riêng với kiwi, mặc dù đàm phán bắt đầu từ năm 2013, đến nay vẫn chưa có tiến triển do chưa hoàn tất quy trình đánh giá rủi ro dịch hại theo quy mô số mẫu và tiêu chuẩn quốc tế.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề xuất, Tham tán Nông nghiệp Italia tại Việt Nam sẽ làm việc trực tiếp với Cục Chăn nuôi và Thú y để thống nhất nhanh các tiêu chuẩn kỹ thuật về kiểm dịch, tháo gỡ những điểm chưa đồng thuận. Bộ trưởng kỳ vọng, từ nay đến trước tháng 9, hai bên có thể mở cửa thị trường cho ít nhất một sản phẩm và giao Cục Chăn nuôi và Thú y, Cục Trồng trọt và BVTV nỗ lực làm việc với phía bạn. 

Bộ trưởng cũng hy vọng Đại sứ Italia sẽ đóng góp một tiếng nói tích cực tại Ủy ban châu Âu (EC), giúp Việt Nam trong tiến trình gỡ “thẻ vàng” IUU.

Bộ trưởng đặt kỳ vọng vào việc mở cửa thương mại nông sản hai chiều Việt Nam - Italia. Ảnh: Khương Trung. 

Bộ trưởng đặt kỳ vọng vào việc mở cửa thương mại nông sản hai chiều Việt Nam - Italia. Ảnh: Khương Trung. 

Bộ trưởng tái khẳng định triển vọng hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Italia. Trong 6 tháng đầu năm, kinh ngạch thương mại hai nước đã đạt 570 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Kết thúc cuộc gặp, Đại sứ Marco Della Seta trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã lắng nghe và tiếp nhận đầy đủ các đề xuất của phía mình. Ông khẳng định những trao đổi thẳng thắn và xây dựng trong cuộc họp hôm nay là bước tiến quan trọng để nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại nông nghiệp song phương trong giai đoạn tới.

Kiều Chi

Ý kiến

Đến Hạnh Phúc để thấy hạnh phúc

Đến Hạnh Phúc để thấy hạnh phúc

Hạnh Phúc không ở đâu xa. Hạnh Phúc là khi nhân dân được sống trong sự ấm no, được vươn lên bằng chính đôi tay và được tiếp sức bởi những trái tim tận tụy.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tiếp xúc cử tri tại Lào Cai

Sáng 6/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã tiếp xúc cử tri tại xã Mậu A.

Giảm bụi mịn cần lộ trình rõ ràng, giải pháp khả thi

Việt Nam cần một lộ trình giảm bụi mịn PM2.5 rõ ràng, minh bạch, có số liệu cụ thể và chia theo từng giai đoạn để đảm bảo hiệu quả và khả thi.