Hạnh Phúc không ở đâu xa. Hạnh Phúc là khi nhân dân được sống trong sự ấm no, được vươn lên bằng chính đôi tay và được tiếp sức bởi những trái tim tận tụy.
Có những chuyến đi không chỉ để nhìn lại chặng đường đã qua, mà còn để cảm nhận sâu sắc những đổi thay đã thành hình trong từng nếp nhà, dáng núi, ánh mắt người dân. Và cũng có những cái tên không chỉ là địa danh, mà như lời nhắn nhủ: “Đến Hạnh Phúc để thấy hạnh phúc”.
Câu nói tưởng như chỉ là một cách "chơi chữ" lại vang vọng và trở thành sự thật, khi từng bước chân đặt lên mảnh đất này đều chạm vào những nụ cười rạng rỡ, những câu chuyện lay động lòng người và một hành trình vươn lên đầy nghị lực. Hạnh Phúc, cái tên đã nói lên tất cả. Nhưng hôm nay, người ta không chỉ gọi tên, mà bắt đầu nhìn thấy hạnh phúc hiện hữu nơi vùng đất này.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy trò chuyện với gia đình anh Giàng A Mang, thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu. Ảnh: Khương Trung.
Một vùng đất mang tên xã Hạnh Phúc, tỉnh Lào Cai
Sáng tháng Bảy, trong chuyến tiếp xúc cử tri của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, con đường từ Nghĩa Lộ uốn lượn men theo sườn núi dẫn chúng tôi đến xã Hạnh Phúc, một trong những xã mới thành lập thuộc huyện Trạm Tấu cũ, nay là tỉnh Lào Cai mới sau sáp nhập.
Mới một tuần kể từ khi chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào vận hành, Hạnh Phúc đã kịp mang đến một hình ảnh đầy mới mẻ.
Trước đây, xã Hạnh Phúc chưa từng có trên bản đồ hành chính. Tên gọi mới chỉ được hình thành sau cuộc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáp nhập các xã Hát Lìu, Bản Công, Xà Hồ và thị trấn Trạm Tấu - những cái tên từng gắn với không ít gian nan, đặc biệt là trong trận lũ lịch sử năm 2017.
Tại đây, chia sẻ với nhân dân xã Hạnh Phúc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy gợi lại một kỷ niệm ở Trạm Tấu, vào tháng 10 năm 2017, dòng suối Hát nổi giận, cuốn trôi cầu Nậm Hát, cắt đứt tuyến đường sống còn lên Xà Hồ, làm cô lập nhiều bản làng. Bản Hát 2 chịu thiệt hại nặng nề, suối Dao gào thét xé dọc những con đường, chia cắt cả xã, bản làng bị cô lập.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn nói chuyện với gia đình chị Sùng Thị Dùa, thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu. Ảnh: Khương Trung.
Trận lũ kinh hoàng năm ấy đã để lại những vết "sẹo" sâu hoắm trên mảnh đất Trạm Tấu, từ những thiệt hại về người tại bản Hát 2, xã Hát Lìu, đến những cây cầu bị cuốn trôi, những tuyến đường bị chia cắt, cô lập cả một vùng. Hình ảnh tảng đá khổng lồ chắn ngang tỉnh lộ 174, mất cả một đêm huy động lực lượng phá đá để sáng hôm sau lãnh đạo Đảng, Trung ương có thể lên thăm bà con, là minh chứng sống động cho sự khắc nghiệt của thiên tai và tinh thần kiên cường của con người nơi đây.
Trạm Tấu, vốn dĩ đã là một huyện nghèo, lại càng thêm khó khăn sau những biến cố thiên tai. Tuyến đường độc đạo 174 thường xuyên sạt lở mỗi khi mưa lũ, khiến việc đi lại và giao thương trở nên vô cùng gian nan. Ngày ấy, để đến được với bà con ở Xà Hồ, những người lãnh đạo tỉnh Yên Bái (cũ) phải đi bộ băng suối, ăn cơm giữa bờ đá.
Chính từ những trăn trở ấy, ý tưởng phá thế độc đạo cho Trạm Tấu đã được ấp ủ và hiện thực hóa bằng việc đề xuất xây dựng hai tuyến đường huyết mạch: một từ Văn Chấn đi qua Phình Hồ, Làng Nhì, Bản Mù vào Trạm Tấu, và một từ Trạm Tấu đi sang Bắc Yên.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cùng đoàn công tác tặng quà cho gia đình anh Giàng A Mang, thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu. Ảnh: Khương Trung.
Đến nay, những tuyến đường ấy đã trở nên thông thoáng, thuận lợi, mở ra một chương mới cho sự phát triển của Trạm Tấu. Nhiều người khi trở lại đây đã không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng chỉ sau 5-7 năm.
“Tôi xúc động khi trở lại Hạnh Phúc, không chỉ vì đây là chuyến công tác đúng một năm sau khi chia tay tỉnh để nhận nhiệm vụ mới ở Trung ương, mà còn bởi chính sự thay đổi nơi đây khiến tôi tin rằng: cái tên Hạnh Phúc không chỉ là tên gọi, mà đang dần trở thành hiện thực”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chia sẻ.
Sự đồng lòng làm nên hạnh phúc
Sự đổi thay của Trạm Tấu không chỉ dừng lại ở hạ tầng giao thông. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chia sẻ, ông cũng đã đến thăm tất cả 11 xã của huyện Trạm Tấu (cũ), kể cả Tà Sì Láng, xã xa nhất và khó khăn nhất, mỗi nơi đều có những kỷ niệm khó quên. Ông cũng bày tỏ sự hài lòng với việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính hiện nay, đặc biệt là việc sáp nhập xã Hạnh Phúc từ thị trấn Trạm Tấu và Hát Lìu, cùng với Xà Hồ và Bản Công. Sự hợp nhất này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để các xã hỗ trợ, bổ trợ cho nhau, cùng nhau phát triển.
Tỷ lệ hộ nghèo của xã Hạnh Phúc (mới) hiện là 31,1%. Con số này, nếu đứng độc lập, có thể khiến nhiều người nghĩ đến khó khăn. Nhưng so với cách đây vài năm, khi tỷ lệ hộ nghèo của cả huyện Trạm Tấu còn trên 60%, thì đây là bước tiến đáng kể. Riêng xã Tà Sì Láng, nơi được xem là xã “đặc biệt khó khăn trong những xã đặc biệt khó khăn” cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cùng đoàn công tác tặng quà cho gia đình chị Sùng Thị Dùa, thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu. Ảnh: Khương Trung.
Ở Túc Đán, có ngôi trường dân tộc bán trú tiểu học, trung học cơ sở từng là điểm đông học sinh nhất huyện, giờ không còn lớp học tạm. Những đứa trẻ Mông, Thái ngày ngày cắp sách đến trường, mơ về một tương lai khác. Hình ảnh này là niềm tin lớn cho hành trình “xây dựng xã Hạnh Phúc từ những thôn hạnh phúc, gia đình hạnh phúc”.
Ở giữa lòng Hạnh Phúc, có một câu chuyện nhỏ khiến cả đoàn công tác xúc động. Một cặp vợ chồng người Thái, gia đình anh Lò Văn Luân, là hộ nghèo, được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây nhà. Nhưng căn nhà mới không dừng lại ở con số đó. Họ vay thêm, tích góp thêm, và làm nên căn nhà sàn trị giá… 520 triệu đồng và cam kết thoát nghèo. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy có gợi ý, với quy mô của ngôi nhà, tới đây có thể kết hợp làm các nhà nghỉ homestay, nhà nghỉ cộng đồng vào cao điểm các mùa du lịch.
Điều đáng nói hơn, trước đó, khi tuyến đường mới mở qua trước nhà, gia đình này đã tự nguyện hiến gần 1.000m² đất ruộng bậc thang, một phần tư liệu sản xuất của cả gia đình, mà không đòi hỏi một đồng đền bù.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cảm kích và ghi nhận, bởi hiến đất mà không tính toán, là vì họ tin vào tương lai tốt đẹp hơn. “Tôi thấy rằng, với cách tiếp cận của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, cùng sự đồng lòng của bà con, của các hộ gia đình và cấp ủy, chính quyền phải như thế nào thì bà con mới đồng sức, đồng lòng như vậy…”

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cùng đoàn công tác thăm gia đình anh Lò Văn Luân, tổ 3, xã Hạnh Phúc. Ảnh: Khương Trung.
“Chắc chắn là chúng ta sẽ xây dựng được xã hạnh phúc, được các thôn hạnh phúc, từ hạt nhân là các gia đình hạnh phúc. Và tôi rất mong muốn cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, hỗ trợ xã Hạnh Phúc thực sự trở thành xã hạnh phúc sớm nhất có thể trên địa bàn tỉnh”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy bày tỏ.
Những người gieo mầm hạnh phúc
Không chỉ người dân cần hạnh phúc, mà những người lãnh đạo khi dấn thân, tâm huyết với sự thay đổi của quê hương cũng cần hạnh phúc. Và đôi khi, chính họ lại là những người đi gieo hạt mầm hạnh phúc đầu tiên trên vùng đất gian khó, để rồi một ngày trở lại, có thể tin rằng việc làm của mình đã đặt những nền móng đầu tiên của "ngôi nhà" hạnh phúc.
Nhìn lại những năm tháng đã qua, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc vì những những gì ông tâm huyết khi xưa không rơi vào quên lãng. Chúng đã thành hình, đã sống được bằng chính cuộc sống của người dân. Và điều khiến vị lãnh đạo ấy hạnh phúc, chính là đội ngũ kế thừa, những người nối tiếp trăn trở, công việc mà ông từng góp sức kiến tạo.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy trao quà cho các hộ nghèo trên địa bàn 2 xã Hạnh Phúc và Trạm Tấu. Ảnh: Khương Trung.
Đó là Giàng A Tông, người từng là Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, giờ là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Hạnh Phúc; Trịnh Văn Xuê, nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện ủy – nay làm Chủ tịch xã... Những người đã "ăn ngủ cùng dân", hiểu biết sâu sắc về con người, văn hóa bản địa vùng cao, bản sắc dân tộc; và đặc biệt là thấm thía những gian khó mà họ đã và đang trải qua để cùng họ dốc sức kiến thiết lại quê hương.
Qua báo cáo của Bí thư xã Giàng A Tông về mục tiêu trong thời gian tới, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhận định, ban đầu có thể khó khăn, ví dụ như là trụ sở cấp ủy, chính quyền ở hai nơi, điều kiện hạ tầng vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh… nhưng chắc chắn các đồng chí đã vượt, sẽ vượt qua được bởi vì “cách tiếp cận của các đồng chí lãnh đạo rất đúng. Không chỉ quản lý mà còn là xây dựng, xây dựng bằng lòng dân, bằng gắn bó thực chất.”
Với sự lãnh đạo của những cán bộ giàu kinh nghiệm như đồng chí Giàng A Tông, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Hạnh Phúc, và đồng chí Trịnh Văn Xuê, cùng với sự đồng lòng của bà con, xã Hạnh Phúc đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một xã hạnh phúc đúng nghĩa, không chỉ về tên gọi mà còn về chất lượng cuộc sống. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đưa Hạnh Phúc trở thành xã nông thôn mới đầu tiên trong nhiệm kỳ tới, là một minh chứng cho khát vọng vươn lên mạnh mẽ của vùng đất này. Sự hỗ trợ, đồng hành từ Trung ương và tỉnh sẽ là động lực quan trọng để Hạnh Phúc sớm đạt được mục tiêu đó.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy trao kinh phí (20 căn nhà, trị giá 1,2 tỷ đồng) của Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết tại tỉnh Lào Cai cho Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn. Ảnh: Khương Trung.
Từ Hạnh Phúc nhìn về tương lai
Kết thúc hành trình về với Hạnh Phúc, điều đọng lại không chỉ là những con số, những báo cáo, mà là những ánh mắt, nụ cười và cả những giọt nước mắt xúc động khi chứng kiến sự đổi thay không ngừng của một vùng đất từng bị xem là "đặc biệt khó khăn".
Đến Hạnh Phúc hôm nay là để thấy hạnh phúc đang hiện diện, không màu mè, không viển vông, mà rất thật: trong từng viên gạch xây trường học, trong mỗi mét đường được mở, trong căn nhà gỗ mới dựng của hộ nghèo, và trong lòng tin vững chắc của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền.
Hạnh Phúc không chỉ là một địa danh, mà đã trở thành một biểu tượng của sự vươn lên, của niềm tin và hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho mảnh đất Trạm Tấu nói riêng và Lào Cai nói chung. Nơi đây, mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi thôn bản đều đang cùng nhau viết nên câu chuyện về một cuộc sống hạnh phúc, bền vững.
Hạnh phúc, vì thế, không còn là điều gì xa vời mà đang dần được chạm tay tới, gần hơn từng ngày.