“Không có cơ sở dữ liệu, không có chuyển đổi số thì không thể điều hành, không thể quản lý nổi ngành nông nghiệp và môi trường trong bối cảnh rộng lớn và phức tạp như hiện nay”, Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng khẳng định mạnh mẽ tại Hội nghị sáng 25/7.
Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng nhấn mạnh, việc hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành là nhiệm vụ không thể trì hoãn. “Chúng ta phải quyết tâm làm được, làm bằng được. Tất cả điều kiện cần thiết đều đã có: quyết tâm chính trị, kinh phí, nhân lực. Vấn đề còn lại là hành động,” ông nói.

Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng chủ trì Hội nghị Nhóm công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về đánh giá, rà soát các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Khương Trung.
Đẩy nhanh tiến độ số hóa ngành nông nghiệp và môi trường
Hội nghị Nhóm công tác số 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương được tổ chức nhằm rà soát, đánh giá toàn diện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng cùng Thượng tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đồng chủ trì Hội nghị.
Thượng tướng Nguyễn Văn Long cho biết: Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, hiện có 12 cơ sở dữ liệu quốc gia cần hoàn thiện, chia thành 4 nhóm: đã vận hành, đã xây dựng nhưng chưa vận hành, đang xây dựng và cần bổ sung mới. Việc xây dựng dữ liệu không chỉ phục vụ điều hành, mà còn là nền tảng cho cải cách thể chế, hiện đại hóa bộ máy quản lý.

Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Khương Trung.
Hướng tới hệ sinh thái dữ liệu liên thông – dùng chung – sống động
Theo ông Lê Phú Hà - Cục trưởng Cục Chuyển đổi số (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), đến nay Bộ đã đưa vào vận hành 4 cơ sở dữ liệu nền tảng gồm: địa lý quốc gia, viễn thám, nghề cá và tài nguyên biển - hải đảo. Đáng chú ý, cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia đã kết nối thành công với dữ liệu dân cư của hơn 82.000 tàu cá. Bộ cũng đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai, trồng trọt, giống cây trồng; đồng thời xây dựng các hệ thống mới về môi trường quốc gia, khí tượng thủy văn, nuôi trồng thủy sản và thống kê ngành. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đã ghi nhận bước tiến lớn: 495 huyện cũ hoàn thiện dữ liệu địa chính với gần 50 triệu thửa đất; 696/696 huyện hoàn tất kiểm kê đất đai; 34/34 tỉnh mới đã kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Gỡ rào cản – Tạo đột phá
Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ, nhưng theo đánh giá tại Hội nghị, quá trình xây dựng và vận hành dữ liệu còn gặp nhiều rào cản: thiếu khung kỹ thuật chuẩn hóa, phân tán hệ thống, thủ tục hành chính rườm rà, nhân lực chưa đồng đều.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến điều hành Hội nghị. Ảnh: Khương Trung.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã ban hành các văn bản quan trọng (Kế hoạch 754, Kế hoạch 13, Quyết định 480) nhằm đẩy nhanh tiến độ. Bộ đặt mục tiêu cụ thể: Hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai; Nền địa lý quốc gia; Khí tượng -viễn thám… Bộ cũng đề xuất Bộ Công an sớm ban hành Khung kiến trúc dữ liệu quốc gia, khung quản trị dữ liệu và từ điển dữ liệu dùng chung; đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ địa phương về kinh phí kết nối dữ liệu lên Trung tâm quốc gia.
Thiếu tướng Vũ Văn Tấn - Cục trưởng C06 (Bộ Công an) cho biết hiện có khoảng 1.100 thủ tục hành chính có thể số hóa nhờ dữ liệu điện tử. Trong đó, riêng Bộ Nông nghiệp và Môi trường quản lý 100 thủ tục, có thể đơn giản hóa quy trình, giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Thiếu tướng Vũ Văn Tấn, Cục trưởng C06, Bộ Công an. Ảnh: Khương Trung.
Hành động khẩn trương, thống nhất toàn ngành
Kết luận Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng yêu cầu các đơn vị rà soát toàn bộ phần mềm, hệ thống hiện có; chấm dứt tình trạng manh mún, chồng chéo, mỗi nơi một kiểu. Đặc biệt lưu ý cấp xã - nơi trực tiếp vận hành - cần được hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn chuẩn hóa dữ liệu ngay từ đầu.
Bộ sẽ xây dựng Kế hoạch tổng thể chuyển đổi số và Chiến lược dữ liệu Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong đó phân rõ trách nhiệm từng đơn vị. Đồng thời, đẩy nhanh điều tra thực trạng, xác định trọng điểm tại 3.321 xã/phường - nơi năng lực cán bộ đất đai còn hạn chế.

“Không có cơ sở dữ liệu, không có chuyển đổi số thì không thể điều hành, không thể quản lý nổi ngành nông nghiệp và môi trường trong bối cảnh rộng lớn và phức tạp như hiện nay”, Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng nhấn mạnh. Ảnh: Khương Trung.
“Không có cơ sở dữ liệu, không có chuyển đổi số thì không thể điều hành, không thể quản lý nổi ngành nông nghiệp và môi trường trong bối cảnh rộng lớn và phức tạp như hiện nay”, Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng khẳng định.
Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng một lần nữa nhấn mạnh: Việc xây dựng cơ sở dữ liệu không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật, mà là yếu tố sống còn trong quản trị ngành hiện đại. Ông kêu gọi toàn ngành, các địa phương, Bộ Công an và các tập đoàn công nghệ cùng phối hợp chặt chẽ: “Chúng ta phải cùng nhau hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ trong năm nay. Không được chậm trễ!”.