Sign In

Xây dựng Văn kiện Đại hội: Hiện thực hóa khát vọng phát triển ngành Nông nghiệp và Môi trường

15:28 07/05/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Sáng 7/5/2025, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Bí thư Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025–2030. Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Xây dựng Văn kiện Đại hội không chỉ là một nhiệm vụ hành chính, mà là công việc chiến lược, thể hiện trí tuệ tập thể, tinh thần trách nhiệm và khát vọng phát triển của toàn ngành.”

Khởi đầu cho một nhiệm kỳ chiến lược

Phiên họp được đánh giá là cột mốc mở đầu quan trọng, đặt nền móng cho tiến trình xây dựng Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau khi được thành lập theo quyết định của Chính phủ vào tháng 2/2025. Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận định hướng xây dựng Báo cáo chính trị và Nghị quyết Đại hội – những văn kiện có tính định hướng chiến lược cho toàn ngành trong nhiệm kỳ tới.

Bộ trưởng ghi nhận tinh thần làm việc nghiêm túc, hiệu quả của Tiểu ban Văn kiện và Tổ Biên tập. Khối lượng dữ liệu, thông tin phục vụ xây dựng văn kiện đã được chuẩn bị khá đầy đủ. Tuy nhiên, thách thức hiện nay không nằm ở “đủ thông tin”, mà ở việc lựa chọn, sắp xếp và cô đọng nội dung sao cho mỗi câu, mỗi chữ đều có sức nặng và đúng trọng tâm.

Với sự tham gia đóng góp từ 30 đơn vị chuyên môn trong toàn Bộ, nguy cơ dàn trải và thiếu điểm nhấn là điều cần đặc biệt lưu ý. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu văn kiện cần được tinh gọn về dung lượng nhưng giàu hàm lượng thông tin, dễ triển khai trong thực tiễn, và có sức lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị ngành.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ Nông nghiệp và Môi trường lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: Khương Trung.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ Nông nghiệp và Môi trường lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: Khương Trung.

Định vị tầm nhìn và chiến lược phát triển ngành

Theo định hướng được thống nhất tại phiên họp, bố cục dự thảo Văn kiện sẽ gồm bốn phần chính: (i) Đánh giá toàn diện kết quả nhiệm kỳ trước, dựa trên hệ thống chỉ tiêu cụ thể và thành tựu trong từng lĩnh vực chuyên môn. (ii) Phân tích rõ những tồn tại, hạn chế, chỉ ra nguyên nhân khách quan và chủ quan. (iii) Đúc kết bài học kinh nghiệm từ công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành. (iv) Đề xuất phương hướng, mục tiêu, giải pháp cho nhiệm kỳ tới, thể hiện tầm nhìn dài hạn, khát vọng phát triển và tính khả thi.

Một điểm nhấn quan trọng là các trụ cột liên ngành như khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế sẽ được xây dựng thành chương độc lập, phản ánh đúng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển Bộ trong bối cảnh mới.

Dựa trên các nghị quyết quan trọng của Trung ương, Bộ trưởng đề nghị cụ thể hóa tư duy phát triển phù hợp với đặc thù của ngành: Nông nghiệp hiện đại, đa giá trị, tuần hoàn, gắn với xây dựng nông thôn mới; Khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; Bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Mục tiêu rõ – Giải pháp cụ thể – Đột phá chiến lược

Về mục tiêu, Bộ trưởng chỉ đạo cần xác định rõ hai cấp độ: Mục tiêu tổng quát: mang tầm chiến lược dài hạn. Hệ thống chỉ tiêu cụ thể: có thể đo lường, theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện.

Trên cơ sở đó, Văn kiện cần xác định rõ các khâu đột phá chiến lược riêng có của ngành, đồng thời hòa quyện với bốn đột phá lớn của Trung ương. Cụ thể: (i) Đột phá thể chế và chính sách quản lý tài nguyên, môi trường. (ii) Đột phá khoa học – công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp. (iii) Đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. (iv) Đột phá về hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, các đề án trọng điểm đang triển khai cần được trình bày rõ ràng về tên gọi, mục tiêu, vai trò và tiến độ, tạo nền tảng vững chắc để hiện thực hóa trong nhiệm kỳ tới.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kết luận phiên họp sáng 7/5. Ảnh: Khương Trung.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kết luận phiên họp sáng 7/5. Ảnh: Khương Trung.

Chủ đề Đại hội – Kim chỉ nam hành động cho hành động toàn ngành

Một gợi ý đáng chú ý từ Bộ trưởng là chủ đề Đại hội cần xoay quanh ba trụ cột: Truyền thống – Trách nhiệm – Khát vọng.

“Phải khơi dậy niềm tự hào về truyền thống, khẳng định tinh thần trách nhiệm trước thách thức thời đại và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho khát vọng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045.”

Về hình thức trình bày, Bộ trưởng yêu cầu văn kiện phải súc tích, logic, dễ đọc, dễ nhớ, mỗi phần mở đầu bằng một luận điểm khái quát, kết thúc bằng thông điệp đúc kết sâu sắc. Tất cả nội dung cần được củng cố bằng số liệu, dẫn chứng cụ thể, có cơ sở rõ ràng.

Kết thúc phiên họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định: “Nếu thống nhất được tư duy, phương pháp và cách tiếp cận khoa học, chắc chắn Văn kiện Đại hội sẽ trở thành kim chỉ nam hành động của toàn ngành, đáp ứng yêu cầu trước mắt và mở ra tầm nhìn chiến lược cho tương lai.”

 

Khương Trung

Ý kiến

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ đạo xây dựng Nghị định Quản lý loài quý, hiếm: Tạo đột phá trong bảo tồn và phát triển kinh tế bền vững

Ngày 9/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cùng Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về dự thảo Nghị định quy định về quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm (CITES).
Nếu không chuyên nghiệp hóa, thị trường Mỹ có thể trở thành điểm nghẽn tăng trưởng xuất khẩu nông sản

Nếu không chuyên nghiệp hóa, thị trường Mỹ có thể trở thành điểm nghẽn tăng trưởng xuất khẩu nông sản

Tại Hội nghị thúc đẩy thương mại nông, lâm, thủy sản Việt Nam – Hoa Kỳ sáng 9/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cảnh báo: nếu không chuyên nghiệp hóa sản xuất và minh bạch chuỗi cung ứng, Việt Nam có thể đánh mất lợi thế tại thị trường Hoa Kỳ – hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành.

Giữ vững thị trường sầu riêng: Hành động quyết liệt, giải pháp đồng bộ

Trước thực trạng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sụt giảm trong những tháng đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường họp bàn nhằm đưa ra các giải pháp giữ thị trường và nâng giá trị ngành hàng.