Sáng 17/4, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị P4G, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề: "Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực cho kỷ nguyên bền vững".

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề cập đến 5 giải pháp cụ thể có thể hành động ngay để chuyển đổi hệ thống lương thực. Ảnh: Tùng Đinh.
Phát biểu kết luận sự kiện, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy bày tỏ ấn tượng với một số ý kiến của các đại biểu. Thứ nhất là sáng kiến chính sách lồng ghép đổi mới sáng tạo chuyển đổi số vào chương trình nông nghiệp vì người nông dân. Hai là, đảm bảo công lý khí hậu và công lý lương thực.
Thứ ba là các sáng kiến, nguồn lực và cơ chế tài chính hỗ trợ nông dân sản xuất quy mô nhỏ và cộng đồng dễ bị tổn thương. Thứ tư là vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thúc đẩy và triển khai các hành động vì khí hậu, vì an ninh lương thực, vì người nông dân.
Thứ năm, kinh nghiệm của các tổ chức tiên phong trong ứng dụng công nghệ cho chuyển đổi xanh hệ thống lương thực; trong đó có huy động từ khu vực tư nhân.
Và thứ sáu là ý kiến về cam kết hỗ trợ mạnh mẽ của các quốc gia và nhà tài trợ thúc đẩy áp dụng công nghệ số, công nghệ xanh vào thực tiễn.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: "Qua thảo luận hôm nay, chúng ta càng thấy rõ một thực tế, chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm không còn là câu chuyện của từng quốc gia, mà là bài toán toàn cầu; không chỉ là việc của ngành nông nghiệp, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống - từ chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, đến từng người nông dân".
Thông qua phiên thảo luận, người đứng đầu ngành nông nghiệp và môi trường Việt Nam cho rằng các ý kiến đã gợi mở ra 5 giải pháp cụ thể có thể hành động ngay.
Một là, tăng cường đầu tư cho chuyển đổi số và công nghệ xanh trong nông nghiệp, gắn với mục tiêu giảm phát thải, nâng cao năng suất và minh bạch chuỗi cung ứng.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề: "Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực cho kỷ nguyên bền vững", sáng 17/4. Ảnh: Tùng Đinh.
Hai là, phát triển hệ thống tài chính xanh và thị trường carbon công bằng, hiệu quả và dễ tiếp cận cho nông dân và doanh nghiệp quy mô nhỏ.
Ba là, tăng cường năng lực địa phương - từ chia sẻ dữ liệu mở, đào tạo kỹ năng số, đến chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù của từng vùng và đối tượng yếu thế.
Bốn là, phát triển các mô hình hợp tác công - tư - cộng đồng (PPCP: Public-Private - Community Partnership), tận dụng thế mạnh của từng bên để chia sẻ rủi ro, đồng hành trong hành động.
Và cuối cùng là hợp tác đa phương và thực chất là con đường duy nhất để cùng nhau vượt qua các khủng hoảng lương thực, các thách thức về khí hậu, sinh kế và môi trường.
"Từ diễn đàn hôm nay, Việt Nam xin khẳng định lại: Chúng tôi cam kết tiếp tục là một đối tác hành động tích cực và trách nhiệm cùng các quốc gia, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực toàn cầu theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững", ông Đỗ Đức Duy chia sẻ với các đại biểu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam kêu gọi, chúng ta hãy cùng biến những cam kết hôm nay thành hành động cụ thể ngày mai, vì một tương lai nơi mọi người dân - từ vùng cao Ethiopia đến đồng bằng Nam Phi, từ đồng ruộng Cần Thơ - Việt Nam đến trang trại hữu cơ Ireland - đều được hưởng lợi từ hệ thống thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, công bằng, thông minh và xanh.
Cuối cùng, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kết lại bằng một hình ảnh quen thuộc nhưng đầy ý nghĩa của người nông dân Việt Nam: "Một hạt lúa không chỉ là lương thực - đó còn là tấm lòng của người nông dân, kết tinh của công nghệ, thiên nhiên và khát vọng sống xanh của nhân loại".