Sign In

Ba trụ cột trong công tác sửa đổi chính sách, pháp luật

15:22 28/07/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng nhấn mạnh ba trụ cột quan trọng trong công tác sửa đổi pháp luật, đồng thời yêu cầu toàn Ngành tập trung cao độ hoàn thành Dự án luật sửa đổi các luật lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, với trọng tâm là cắt giảm thủ tục và đẩy mạnh phân cấp.

Ngày 28/7, tại cuộc họp với các cơ quan chuyên môn, Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng nhấn mạnh tinh thần “phải làm, phải hoàn thành” đối với công tác xây dựng và sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật. Ông cũng chỉ đạo quyết liệt việc chuẩn bị một dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, tháo gỡ điểm nghẽn và thúc đẩy phân cấp, cải cách hành chính.

Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng chỉ đạo họp sửa đổi chính sách, pháp luật. Ảnh: Khương Trung.

Xây dựng chính sách pháp luật hướng đến phân cấp, cải cách thực chất

Mở đầu cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng khẳng định: “Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ hết sức quan trọng, mang tính nền tảng trong quản lý nhà nước.” Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra rằng nhiều chính sách hiện nay còn chưa đáp ứng được kỳ vọng thực tiễn.

Với bối cảnh chỉ còn khoảng 5 tháng hết năm, khối lượng công việc còn lớn và tính chất các văn bản ngày càng phức tạp, Quyền Bộ trưởng giao Vụ Pháp chế rà soát toàn bộ kế hoạch, kể cả khi các đơn vị đề xuất cắt giảm đầu việc. Đồng thời, phải chủ động bổ sung kịp thời các văn bản cấp thiết, xác định rõ thời hạn hoàn thành, nhất là với những văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ hoặc trình Chính phủ, Quốc hội.

Ông yêu cầu Vụ Pháp chế duy trì chế độ báo cáo tiến độ hàng tuần, có văn bản đôn đốc gửi Bộ trưởng, các Thứ trưởng, và trực tiếp nhắc nhở các thủ trưởng đơn vị nếu chậm trễ trong việc trình dự thảo.

Đặc biệt, Quyền Bộ trưởng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tư duy lập pháp, lấy cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền làm định hướng xuyên suốt, đúng với tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư. “Chức năng của các cơ quan Trung ương là ban hành chính sách, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát. Không phải ôm đồm làm thay địa phương”.

Ông nhấn mạnh, việc phân cấp phải gắn với hướng dẫn thường xuyên, tập huấn và hỗ trợ đồng hành liên tục, để đảm bảo chinh sách thực sự đi vào cuộc sống: “Giống như tuần này, Bộ tổ chức tập huấn Sổ tay điện tử giải quyết thủ tục đất đai – đây là cách làm cụ thể để thúc đẩy phân cấp hiệu quả, không để địa phương lúng túng khi thực thi.

Tháo gỡ "điểm nghẽn", khơi thông nguồn lực

Tại phần thứ hai của cuộc họp, các đơn vị tập trung thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Đây là Dự án trọng điểm được triển khai trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh tinh gọn bộ máycải cách thủ tục và hoàn thiện thể chế, theo đúng định hướng lớn của Bộ Chính trị.

Dự án Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của 16 luật, bao gồm: Luật Chăn nuôi; Luật Thú y; Luật Trồng trọt; Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp; Luật Thủy lợi; Luật Đê điều; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Đa dạng sinh học; Luật Khí tượng Thủy văn; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Đo đạc và Bản đồ; Luật Tài nguyên nước; Luật Địa chất và Khoáng sản (riêng Luật Đất đai được sửa đổi bằng một dự án riêng).

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phan Tuấn Hùng báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Khương Trung.

Theo báo cáo của Vụ Pháp chế, dự án Luật lần này sẽ tập trung vào nhóm nội dung cải cách chủ chốt:

Một là, sắp xếp tổ chức bộ máy và chính quyền hai cấpsửa đổi các quy định liên quan đến tổ chức, không tạo thêm chính sách mới mà chủ yếu là kỹ thuật lập pháp, luật hóa các nội dung phân cấpphân quyền.

Hai là, cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh - thực hiện  theo Nghị quyết 66/NQ-CP, bảo đảm các phương án cắt giảm thủ tục phải hoàn thành trong năm 2025đúng lộ trình phê duyệt của Thủ tướng.

Ba là, giải quyết triệt để các vướng mắc từ thực tiễn - Bám sát Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhằm “cơ bản tháo gỡ những 'điểm nghẽn' lớn trong năm 2025”tạo hành lang pháp lý thông thoáng, khơi thông nguồn lực phát triển.

Ba trụ cột sửa luật và yêu cầu về tiến độ "không thể chờ đợi"

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng nhấn mạnh ba trụ cột quan trọng trong công tác sửa đổi, hoàn thiện pháp luật của ngành

Thứ nhất là lấy các nghị quyết, kết luận của Đảng và Nhà nước là kim chỉ nam - bảo đảm toàn bộ quá trình xây dựng, sửa đổi chính sách đều nhất quán với định hướng lớn của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. 

Thứ hai là rà soát, đánh giá toàn diện hệ thống pháp luật hiện hành -  từ đó phát hiện các điểm chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu khả thi; kịp thời điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và hiệu lực thực thi.

Thứ ba là bám sát thực tiễn tổ chức thực hiện ở địa phương và cơ sở - phân tích rõ những vướng mắc cụ thể, đồng thời phát huy các mô hình hiệu quả, chủ động đề xuất sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống.

Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng yêu cầu hoàn thành gấp Dự án luật sửa các luật lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường. Ảnh: Khương Trung.

Ông yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình Dự án Luật, tập trung vào những vấn đề cấp bách như: tổ chức chính quyền địa phương hai cấpcải cách thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh; bảo đảm triển khai ngay khi Luật được ban hành. “Phải quy định rõ thời điểm có hiệu lực và nội dung hết hiệu lực của các văn bản cũ để các địa phương và bộ, ngành có thể triển khai ngay, không phải chờ đợi” - ông nói.

Ông cũng nhấn mạnh tinh thần chủ động và trách nhiệm của Bộ khi trình Quốc hội các dự thảo Luật: “Đến lúc người ta hỏi, mình phải nói được chỗ này tại sao thế, có tác dụng nào, có hồ sơ rõ ràng.”

Kết luận cuộc họp, Quyền Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành tập trung cao độ: “Công việc rất nhiều và cấp bách. Phải hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, để tạo ra những sản phẩm pháp luật thực sự chất lượng, giải quyết vướng mắc thực tiễn, góp phần vào sự phát triển của ngành và của đất nước.

Khương Trung

Ý kiến

Hợp nhất tạo sức bật mới

“Từ ‘hai nhà’ chỉ còn ‘một nhà’. Chúng ta cùng chung quyết tâm hoàn thành sứ mệnh Đảng và Nhà nước giao phó” - Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng nhấn mạnh.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản vượt kỳ vọng, đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5%

Xuất khẩu nông lâm thủy sản vượt kỳ vọng, đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5%

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% trong 6 tháng đầu năm 2025; xuất siêu gần 10 tỷ USD, lập kỷ lục và vượt kỳ vọng.

Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng: “Không có dữ liệu, không thể điều hành, quản lý ngành nông nghiệp và môi trường trong bối cảnh hiện nay”

“Không có cơ sở dữ liệu, không có chuyển đổi số thì không thể điều hành, không thể quản lý nổi ngành nông nghiệp và môi trường trong bối cảnh rộng lớn và phức tạp như hiện nay”, Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng khẳng định mạnh mẽ tại Hội nghị sáng 25/7.